Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí American Sociological Review đã chỉ ra rằng các cặp vợ chồng có trình độ học vấn tương tự nhau có thể giảm tỷ lệ ly hôn.
Nhà nghiên cứu Christine Schwartz, trợ lý Giáo sư xã hội học tại Đại học Wisconsin, cho biết: “Những cặp vợ chồng có cùng trình độ học vấn ít có khả năng ly hôn hơn những cặp vợ chồng có trình độ học vấn khác biệt quá lớn".
Xu hướng này phù hợp với sự chuyển đổi từ mô hình hôn nhân truyền thống sang mô hình hôn nhân nam nữ bình đẳng hơn. Nghiên cứu cho thấy trong số các cặp vợ chồng kết hôn từ năm 2000 đến 2004, những cặp có cùng trình độ học vấn có tỷ lệ ly hôn thấp hơn 1/3 so với những cặp có chồng có trình độ học vấn cao hơn.
Ảnh minh họa
Trình độ nhận thức như nhau có nghĩa là vợ chồng có cùng trình độ văn hóa, khả năng hiểu biết như nhau. Những cặp vợ chồng có chung nhận thức giữa họ thường không xuất hiện mâu thuẫn, cuộc sống ít cãi vã.
Nếu một người có trình độ học vấn cao, còn người kia có trình độ hiểu biết thấp sẽ dẫn đến khác nhau về quan điểm, dễ xảy ra mâu thuẫn, xung đột.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa trình độ học thức là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Đặc biệt, trong xã hội hiện nay, quan điểm về học thức, thứ bậc và vai trò giữa các thành viên trong gia đình đã có nhiều thay đổi.
Nhà nghiên cứu Schwartz chỉ ra rằng, trái ngược với quan niệm truyền thống cho rằng địa vị xã hội của người vợ thấp hơn người chồng, ngày nay ngày càng có nhiều gia đình mà người vợ có trình độ học vấn cao hơn người chồng.
Schwartz cho biết: "Mối quan hệ giữa trình độ học vấn của các cặp vợ chồng, mô hình hôn nhân và nguy cơ ly hôn cho thấy xã hội đang chấp nhận thực tế rằng phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn nam giới".
Như vậy, kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng mặc dù một số phụ nữ có trình độ học vấn cao hơn nam giới nhưng điều này sẽ không có tác động tiêu cực đến sự ổn định hôn nhân. Điều quan trọng là cả hai phải cùng nỗ lực, phát triển để hòa hợp và giữ gìn hạnh phúc gia đình.
Ảnh minh họa
Những điều cần có ở vợ chồng tránh hôn nhân tan vỡ
Tôn trọng
Tôn trọng luôn là 2 từ khóa của hạnh phúc gia đình cần được đặt lên hàng đầu.
Một nhà tâm lý học hôn nhân Mỹ nói rằng khi nhìn những điểm tích cực ở nhau người ta sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn. Khi hay bày tỏ sự biết ơn, lòng tự hào về nhau thì tình yêu trong họ sẽ ngày càng được vun đắp, chứ không vơi đi. Chính vì vậy, các cặp đôi sẽ vượt qua khó khăn một cách dễ dàng.
Chấp nhận nhược điểm của nhau
Không ai hoàn hảo và càng không ai không có nhược điểm, quan trọng là người kia nghĩ thế nào về điều đó. Hôn nhân hạnh phúc khi không phải là ai có nhiều ưu điểm hơn mà là biết chấp nhận nhược điểm của nhau như thế nào. Có được điều này, các cặp đôi có khả năng biến chuyện to thành bé, chuyện bé thành không có gì và chẳng ai nỡ buông tay.
Hòa hợp với nhau từ phong cách đến lối sống
Vấn đề này bao gồm cả tác phong sinh hoạt, cách đối nhân xử thế, các phản ứng với môi trường sống, cách thức tiêu pha và các thói quen cả xấu lẫn tốt. Một cuộc hôn nhân giữ được bền vững chính là khi cả hai vợ chồng biết dung hòa phong cách và lối sống của nhau.
Ảnh minh họa
Biết quản lý cơn giận
Nhiều cặp đôi đứt gánh giữa chừng không vì những lý do to tát, đơn giản là đôi bên hoặc một bên quá dễ nóng giận. Hôn nhân luôn dễ khiến người ta có những “cơn tăng xông” bộc phát, dễ chê trách, chỉ trích nhau nhưng làm thế nào để dịu nó xuống lại là chuyện khác.
Cuộc sống của một người đàn ông, một người đàn bà vốn sở thích khác nhau bỗng chung một nhà không thể tránh khỏi những sở thích, quan điểm khác biệt. Vì thế, học cách bình tĩnh, nói chuyện ôn hòa là bí quyết giữ gìn hạnh phúc hôn nhân.
Biết trước hôn nhân không màu hồng
Bản chất hôn nhân luôn chứa đựng những bất hòa tiềm ẩn. Hôn nhân luôn đi lên, đi xuống và nếu điểm rơi quá nhiều lần các cặp đôi sẽ khó có cơ hội trở lại thăng bằng. Muốn thế, suy nghĩ hôn nhân không tuyệt vời như mình tưởng tượng có thể giúp họ vững tâm hơn đi qua năm tháng, cho đến khi tìm được cách làm cho nhau hạnh phúc.
Phương Anh