TTO - Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc cho gia đình và bạn bè thân hữu của ông. Hôm nay (24-9), gia đình, bạn bè, đồng nghiệp đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng.
Gia đình nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ảnh: NAM TRẦN
Những ngày cuối đời của nhạc sĩ Phó Đức Phương được sống trong không khí đầm ấm, quan tâm, chăm sóc của gia đình, bạn bè. Hôm nay (24-9), rất nhiều người đã đến đưa tiễn ông, dành cho ông những tình cảm trìu mến nhất.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết dù ông cảm thấy rất thương tiếc trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương nhưng ông cũng cảm thấy rất thanh thản vì nhạc sĩ đã sống những giờ phút cuối cùng trong sự quan tâm của rất nhiều người.
Lời chào của nhạc sĩ Phó Đức Phương tới đêm nhạcKhúc hát Phiêu ly - Video: Tư liệu gia đình
"Nhạc sĩ Phó Đức Phương là một con người đầy khát vọng, đam mê với âm nhạc, đã đóng góp rất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam.
Ông còn dành rất nhiều tâm sức cho việc mang lại công bằng cho các tác giả âm nhạc, thúc đẩy sự phát triển bảo vệ bản quyền âm nhạc tại Việt Nam.
Trong cuộc sống đời thường ông là con người vô cùng giản dị. Ông đã tận hiến cho đời đến tận giây phút cuối", nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.
Ca sĩ Tùng Dương, Thanh Lam không cầm được nước mắt khi nhìn nhạc sĩ Phó Đức Phương lần cuối - Ảnh: NAM TRẦN
Nhạc sĩ Trương Quý Hải cho biết ông nghe nhạc Phó Đức Phương từ bé và vô cùng hâm mộ bút pháp sáng tác của nhạc sĩ.
"Bộ tứ sông Hồng gồm nhạc sĩ Trần Tiến, Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương chính là những người đặt nền móng cho nền nhạc nhẹ Việt Nam. Trong đó Phó Đức Phương là một người có bút pháp rất tinh tế. Không chỉ cống hiến cho âm nhạc mà sau này ông còn dấn thân vào con đường rất gian nan, bảo vệ quyền tác giả cho các nhạc sĩ. Lần đầu tiên tôi được lĩnh tiền bản quyền tác phẩm là nhờ anh Phương đấy. Nếu không có ông ấy, thì đến giờ này các nhạc sĩ vẫn phải sống trong cảnh tác phẩm của mình bị vi phạm, xài 'chùa'".Hai ca sĩ Thanh Lam, Tùng Dương, những người hát rất thành công tác phẩm của nhạc sĩ Phó Đức Phương coi ông là một người thầy nghiêm khắc nhưng rất nhân hậu. "Chú ít khen lắm, nhưng nhìn ánh mắt, nụ cười của chú là mình biết mình hát có đúng hay không", ca sĩ Thanh Lam chia sẻ. Ca sĩ Tùng Dương chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng ông đã ra đi mãn nguyện vì đã hoàn thành sứ mệnh. Những con người như ông dạy cho chúng ta rất nhiều. Lòng dũng cảm của ông khi đối diện với bệnh tật thật đáng ngưỡng mộ".
Những người bạn nghệ sĩ đến đưa tiễn nhạc sĩ Phó Đức Phương - Ảnh: NAM TRẦN
Tháng 3-2020, nhạc sĩ Phó Đức Phương phát hiện bệnh ung thư tụy. Ngay từ đầu nhạc sĩ đã xác định sẽ chiến đấu với bệnh tật kiên cường như cách ông đã đối diện với rất nhiều phong ba, bão táp trong đời mình. Ông đón nhận bệnh tật rất bình thản. Trong quá trình điều trị, dù rất mệt mỏi, đau đớn nhưng nhạc sĩ Phó Đức Phương vẫn rất kiên trì, chịu đựng, thậm chí lạc quan.Sau hơn nửa năm chống chọi với bệnh tật, nhạc sĩ Phó Đức Phương đã từ trần vào hồi 12h18 ngày 19-9-2020, hưởng thọ 77 tuổi. Sự ra đi của ông đã để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, những người yêu quý ông.
Những ngày cuối đời nhạc sĩ Phó Đức Phương sống trong vòng tay ấm áp của gia đình. Vợ và ba người con luôn ở bên chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ cho ông.
Những đồng nghiệp của ông từ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thay nhau chưng yến mang tới cho ông. Bạn bè, ca sĩ, người hâm mộ luôn quan tâm lo lắng, tới thăm ông luôn.
Nhạc sĩ Nguyễn Cường (một trong bốn nhạc sĩ của bộ tứ Sông Hồng) đến đưa tiễn người bạn thân thiết của mình - Ảnh: NAM TRẦN
Có những ngày sức khỏe khá hơn, nhạc sĩ cảm thấy rất vui khi có bạn bè tới thăm. Lúc ấy ông lại "cậu cậu tớ tớ" rổn rảng, hào hứng chia sẻ về những khát vọng sáng tác.
Ông vẫn ấp ủ hoàn thành những tác phẩm để tri ân những bậc tiền nhân, bày tỏ tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.
Trong đêm nhạc Khúc hát phiêu ly tổ chức đến 10-7 công chúng đã được tiếp cận với những tác phẩm mới mang âm hưởng hào hùng, tràn đầy tính sử thi của nhạc sĩ Phó Đức Phương như Bài ca Thần Chim Lạc, Hội thề Mê Linh, Văn Giang - Một khúc sông Hồng...
Nhạc sĩ Dương Thụ, một trong bốn nhạc sĩ của bộ tứ Sông Hồng đến đưa tiễn bạn - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày hôm nay, 24-9, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp tiễn đưa nhạc sĩ Phó Đức Phương về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tang lễ của nhạc sĩ Phó Đức Phương được cử hành vào hồi 11h30 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội). Hỏa táng và an nghỉ tại Công viên Tưởng niệm Thiên Đức, xã Bảo Thanh - Trung Giáp, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ.
Ảnh: NAM TRẦN
Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh ngày 23-7-1944 tại Đa Ngưu - Tân Tiến, Văn Giang, Hưng Yên. Ông là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng rất lớn đến nền nhạc nhẹ Việt Nam cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.
Sáng tác của Phó Đức Phương là sự hòa quện của văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, tư duy âm nhạc mới mẻ với những triết lý nhân sinh sâu sắc, cùng tình cảm dạt dào, mãnh liệt.
Âm nhạc của ông không chỉ khiến công chúng yêu thích mà còn nhận được sự khâm phục của những người làm nghề. Cho đến giờ âm nhạc của Phó Đức Phương vẫn là một dòng chảy mạnh mẽ trong đời sống âm nhạc.
Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: Những cô gái quan họ, Hồ trên núi, Một thoáng Tây Hồ, Nha Trang thu, Trên đỉnh Phù Vân, Chảy đi sông ơi, Không thể và có thể, Về quê...
Ông còn có một sự nghiệp vô cùng quan trọng đó là xây dựng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC). Ông là Giám đốc đầu tiên của trung tâm này, là người xây dựng nền móng vững chắc để trung tâm có thể phát triển đến như ngày nay.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương - người tài hoa về cõi phù vân
TTO - Nhạc sĩ Phó Đức Phương đã trút hơi thở cuối cùng vào sáng 19-9 trong niềm tiếc thương vô hạn của nhiều người. Có lẽ phải rất lâu nữa nền âm nhạc Việt Nam mới có được một nghệ sĩ tài hoa như tác giả Trên đỉnh Phù Vân.
NGỌC DIỆP