Hà Anh hiện đang là một siêu mẫu nổi tiếng được nhiều người yêu mến. Tuy nhiên, để có ngày hôm nay, Hà Anh đã có một thời gian làm việc bán thời gian bởi những công việc khác chẳng hạn như gọi điện quảng cáo.
Mới đây, Hà Anh chia sẻ: "Ngày xưa thời sinh viên ở Anh tôi rất ao ước được đi làm việc bán thời gian để được trải nghiệm thế nào là người trưởng thành, có công việc và còn tự kiếm tiền để tiêu vặt nữa.
Thế là nhân một kỳ nghỉ phục sinh nọ, tôi xuống nhà bạn ở chơi, tôi "nhen nhóm" ý định đi xin việc. Tôi chưa đi làm bao giờ cũng chưa có kinh nghiệm gì, ấy vậy mà may mắn làm sao tôi xin ngay được thử việc với vai trờ "tele marketing" - quảng cáo sản phẩm qua điện thoại cho sản phẩm là cửa kính 2 lớp chống ồn.
Buồn cười lắm, buổi đầu đi làm, mặc cho việc không phải tiếp xúc khách hàng trực tiếp, tôi ăn diện lắm, áo vest, váy bút chì.
Ông sếp nheo mắt cười trêu "cô đi nhà thờ chủ nhật đấy à?". Mặc kệ, tôi nhủ thầm. Tôi muốn ra dáng đi làm cơ mà! Nhưng hào hứng bao nhiêu thì khi làm công việc tôi càng cảm thấy nản bấy nhiêu.
Tôi được đưa một quyển đầy số điện thoại, và một quyển kịch bản thoại. Nhiệm vụ của tôi là gọi điện thoại đến từng số và quảng cáo với họ về dịch vụ này, nếu họ có nhu cầu thì một nhân viên sẽ đến để giới thiệu kỹ hơn về sản phẩm.
Nghe thì có vẻ đơn giản phải không? Ấy nhưng tôi sợ vô cùng cái cảm giác "làm phiền" người khác. Khi tôi gọi đến để quảng cáo, đa số cảm thấy khó chịu vì bị làm phiền. Đặc biệt có khi nhà là người lớn tuổi, nghe chuông điện thoại phải hớt hải đến nghe, tôi còn nghe tiếng ông già thở gấp khi chạy tới được cái điện thoại.
Sau khi làm 4 tiếng đồng hồ thử việc, tôi ra gặp sếp, trong đầu đang cố nghĩ ra muôn ngàn lý do để xin không làm nữa.
Tôi sợ đủ điều, sợ phải nói dối, sợ họ nghĩ là tôi không có khả năng, sợ làm phụ lòng tin của họ... Thấy tôi có vẻ bứt rứt nói không nên lời, ông sếp mỉm cười "Công việc không dành cho cô phải không?" (It's not for you is it?)
Tôi đáp "Dạ không. Nhưng em rất cám ơn là đã được cho cơ hội".
"Không có gì" anh ta đáp. Vâng các bạn ạ, dù là công việc đầu tiên không thành nhưng tôi học được 2 bài học quan trọng trong cuộc sống.
Siêu mẫu Hà Anh từng thử làm nhân viên gọi điện thoại quảng cáo sản phẩm nhưng kết quả cô chỉ làm được 4 tiếng rồi xin nghỉ.
1- Own up (Tự chịu trách nhiệm)
Khi chúng ta muốn nghỉ việc, hay không làm được việc, hay làm sai điều gì. Việc đầu tiên chúng ta nên làm là nhận ra lỗi sai của mình, hoặc thành thật với bản thân mình về lý do công việc bị hỏng, trách nhiệm của mình nằm ở đâu thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, đổ lỗi cho người khác.
Ở Việt Nam tôi thấy người ta khi xin nghỉ việc sẽ nói ra rất nhiều lý do kiểu như bố ốm, mẹ mệt, phải về quê, chăm sóc business gia đình, hay bản thân ốm đau... kèm thêm rất nhiều lý do nghe có vẻ thấu tình đạt lý kiểu như "tôi không muốn cản đường tập thể, ảnh hưởng đến thành công của công ty..."
Chúng ta hy vọng rằng với hàng loạt lý do thê lương, có thể là 1 phần nhỏ của lý do, có thể thật, có thể khuyếch đại lên- kèm theo một đống thấu tình đạt lý, người sếp sẽ thấy rằng việc xin nghỉ của bạn thật đẹp cả đôi đường?
Không - điều này chỉ cho thấy bạn không thực sự trung thực với những điều bạn nghĩ. Và nếu thực sự bạn tôn trọng công ty, sếp, người đã cho bạn một cơ hội, bạn nợ họ một sự trung thực, thành thật. Đôi khi chỉ đơn giản là "Công việc không phù hợp với mong đợi của tôi", "Tôi không đủ khả năng làm công việc theo yêu cầu", "Tôi mong chờ mức lương cao hơn", "Tôi đã tìm được công việc khác thú vị hơn".
Bài học thứ 2 của tôi là có sự cảm thông với người làm công việc - có thể là gọi điện thoại đến làm phiền bạn. Nhưng khi được là người ở đầu dây bên kia 1 lần, tôi hiểu rằng họ cũng là những người đi làm việc mưu sinh thôi. Vậy nên tôi luôn cố gắng kiên nhẫn nghe hết câu đầu họ nói rồi lịch sự khước từ, chứ tôi không cúp máy, mắng họ làm phiền hay trêu thêm làm mất thời gian của họ. Mới thứ 3 đầu tuần mà tôi đã nhiều bài học quá nhỉ. Đúng là bôn sê vích quá mà".